Giá vàng lên 124 triệu đồng/lượng, khách xếp hàng tràn vỉa hè chờ giao dịch

Tin tức giá vàng
Giá vàng lên 124 triệu đồng/lượng, khách xếp hàng tràn vỉa hè chờ giao dịch
Người dân xếp hàng dài chờ giao dịch 
Tính đến cuối phiên chiều ngày 22/4, các doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng giá vàng SJC lên mức 122-124 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 6 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch giá mua và bán giữ nguyên ở vùng 2 triệu đồng/lượng. Mức giá này cũng là kỷ lục mới của vàng miếng SJC.
Giá vàng nhẫn trơn được giữ nguyên ở mức 116,5-119,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 3 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán so với giá mở phiên.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại TPHCM, trưa 22/4 trời nắng gay gắt lên đến 40 độ C, dòng người vẫn kiên trì xếp hàng trước trụ sở Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), chờ giao dịch. Giá vàng miếng SJC trong ngày đã leo thang lên mức kỷ lục mới 124 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, chênh lệch mua - bán là 2 triệu đồng mỗi lượng.
Người dân xếp hàng dài chờ mua vàng tại cửa hàng SJC quận 3 trưa ngày 22/4 (Ảnh: VQ).
Giữa dòng người chen chúc, bà Lệ (ngụ quận Gò Vấp) nói có mặt từ 10h, đến 14h vẫn chưa đến lượt mua. Anh Văn Thắng (ngụ quận 11) cho biết, cửa hàng nói mỗi người chỉ được mua 0,5 chỉ, mà giá vàng nhẫn cũng 119,5 triệu đồng/lượng. 
Nhân viên tại cửa hàng vàng này cho biết khách chủ yếu đến mua vàng nhẫn, giao dịch đến bán không đáng kể. Do lượng khách đông đột biến, hôm nay, cửa hàng giới hạn mỗi người mua 0,5 chỉ, trong khi sáng hôm qua (21/4) mỗi khách được mua 2 chỉ, còn phiên chiều mỗi người được mua 1 chỉ.
Người dân xếp hàng kéo dài từ khu vực có mái che ra đến tận ngoài đường tại một tiệm vàng lớn ở quận 3, TPHCM (Ảnh: VQ).
Tương tự tại thị trường Hà Nội, khảo sát của phóng viên cho thấy hàng trăm lượt khách đến các tiệm vàng lớn để chờ giao dịch. Từ sáng 22/4, trên "phố vàng" Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, khi các cửa hàng chưa mở cửa, hàng chục khách hàng đã có mặt để xếp hàng chờ lấy số.
Ghi nhận tại một cửa hàng lớn trên phố Cầu Giấy cho thấy cửa hàng đã phát phiếu đến số 455 và chính thức dừng lại việc phát số do có quá nhiều khách hàng tới. Những khách hàng không kịp lấy số được nhân viên thông báo hẹn gặp vào ngày khác.
Đến 12h, cửa hàng giao dịch tới khách hàng số 355. "Cửa hàng hôm nay không có vàng miếng, chỉ có vàng nhẫn bán cho khách hàng nhưng giới hạn mỗi khách hàng một chỉ", nhân viên tại đây thông báo.
Hôm 21/4, các cửa hàng ghi nhận tình trạng phải đóng cửa sớm do hết hàng bán. Nhân viên cửa hàng hẹn khách quay trở lại vào hôm sau và cập nhật các thông tin trên các trang web chính thức của cửa hàng. 
Biểu giá vàng ngày 22/4 (Ảnh: Mỹ Tâm).
Bà Nguyễn Thị Hiền (quận Cầu Giấy) kể đến từ sớm dù 9h cửa hàng mới mở cửa. 2 tuần nay, bà Hiền đều xếp hàng đi mua vàng. Anh Nguyễn Văn Long (quận Nam Từ Liêm) đến cửa hàng vào đầu giờ chiều và được nhân viên thông báo đã dừng nhận khách. 
Tại một cửa hàng vàng lớn khác trên "phố vàng" Trần Nhân Tông, không ít khách hàng tới mua hàng cũng ngậm ngùi ra về sau khi được bảo vệ cửa hàng thông báo cửa hàng đã hết hàng bán. 
Tình trạng hết sạch vàng cũng diễn ra trên các tiệm kim hoàn khác trên phố này. Những ngày giá vàng tăng cao, đa số người dân có nhu cầu mua vàng, thỉnh thoảng mới có khách đến bán "chốt lời". 
Chuyên gia nói diễn biến thị trường vàng khó lường
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, giá vàng hiện ở mức cao và khó dự báo trong thời gian tới do chịu tác động từ nhiều yếu tố ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng mạnh hiện nay cũng tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh sâu.
Về yếu tố quốc tế, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là khó lường. Dù Mỹ có dấu hiệu giảm giọng với Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn, sẵn sàng đối đầu. Việc Mỹ liên tục gây căng thẳng với nhiều nước có nguy cơ khiến nước này bị cô lập.
Giá vàng trong nước hiện biến động theo thế giới, nhưng cộng thêm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và tình trạng khan hiếm nguồn cung. Nhiều doanh nghiệp vàng cho biết họ không đủ hàng để bán do nguồn nhập khẩu bị hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng năm vẫn cao. Việc siết chặt nhập lậu vàng càng làm tình trạng thiếu hụt thêm trầm trọng.
Ông Huân nhận định nếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp như cơ chế neo giá trước đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nguy cơ "sốt nóng" với các giao dịch ở mức giá cao hơn.
Nhiều cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) thông báo dừng việc phát số do có quá nhiều khách hàng tới (Ảnh: Mỹ Tâm).
TS Ngô Minh Vũ - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) nhận định, giá vàng trong nước và thế giới đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện, giá vàng thế giới có thời điểm tiến sát mốc 3.500 USD/ounce, trong khi giá bán vàng miếng trong nước đạt 124 triệu đồng/lượng.
Theo ông Vũ, nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới có thể chạm ngưỡng 4.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Nếu xu hướng này tiếp diễn, giá vàng trong nước có khả năng tăng thêm 20-30% so với mức hiện tại". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý mức tăng cụ thể còn phụ thuộc vào chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Công cụ tính lãi lỗ giá vàng