Giá vàng miếng lên 121 triệu đồng/lượng, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới

Tin tức giá vàng
Giá vàng miếng lên 121 triệu đồng/lượng, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới
Kết phiên giao dịch ngày 8/7, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở 119-121 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều mua bán so với trước đó.
Giá nhẫn tròn trơn được điều chỉnh tăng với biên độ tương tự, niêm yết ở 114,4-116,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng thế giới hiện ở quanh 3.298 USD/ounce, giảm 35 USD. Trước đó, có thời điểm giá tăng lên sát mức 3.345 USD/ounce. So với tuần trước, giá kim loại quý này đã giảm hơn 1,15%. Còn so với đầu năm, tỷ suất sinh lời vẫn duy trì trên mức 25%.
Giá vàng miếng SJC lên 121 triệu đồng/lượng (Ảnh: Thành Đông).
Giá vàng thế giới giảm trong phiên gần đây do chịu áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các đề xuất thuế quan mới nhằm vào các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tình hình leo thang căng thẳng thương mại khiến giới đầu tư chuyển hướng sang đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn, qua đó làm suy yếu sức hấp dẫn của vàng. 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, giá vàng vẫn trụ vững quanh ngưỡng 3.300 USD/ounce, phản ánh tâm lý phòng thủ của thị trường trước nguy cơ xung đột thương mại kéo dài và lạm phát đình trệ. Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) để tìm manh mối về định hướng tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chuyên gia phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của UBS nhận định, vàng đang chịu ảnh hưởng từ 2 lực kéo đối lập. Một mặt, việc Mỹ gia hạn thời hạn đàm phán thương mại làm dịu bớt nhu cầu trú ẩn, gây áp lực giảm giá. Mặt khác, nguy cơ thuế quan mới với các đối tác châu Á có thể làm tổn hại tăng trưởng kinh tế, từ đó hỗ trợ giá vàng trong trung hạn.
Tỷ giá trung tâm lập đỉnh
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ các đồng tiền chủ chốt - đạt 97,51 điểm, tăng 0,03% so với trước đó.
Ngân hàng Nhà nước hiện niêm yết tỷ giá trung tâm tại 25.121 đồng, tăng 8 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.864-26.377 đồng.
Tỷ giá tại ngân hàng lớn là 25.960-26.350 đồng (mua - bán), tăng 40 đồng ở chiều mua và tăng 45 đồng ở chiều bán ra. Tại các ngân hàng tầm trung, giá USD là 25.990-26.345 đồng (mua - bán), tăng 75 đồng ở chiều mua và tăng 40 đồng ở chiều bán ra.
Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán USD quanh vùng 26.420-26.500 đồng (mua - bán), giữ nguyên so với trước đó.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết trong khi USD-Index đã giảm khoảng 10% kể từ đầu năm 2024, thì đồng Việt Nam (VND) vẫn mất giá 2,7-2,8% so với USD. Nguyên nhân chính đến từ việc Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, hệ quả là khi lãi suất VND thấp, đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD mang lại lợi suất cao hơn. Điều này khiến nhiều tổ chức tài chính có xu hướng chuyển sang nắm giữ USD.
Cùng với đó, cán cân thanh toán tổng thể vẫn trong trạng thái thặng dư tốt, song dòng vốn ngoại lại biến động mạnh và rút ròng khỏi thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay.
Chỉ trong 6 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân khoảng 267.600 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng bán ra tới 308.300 tỷ đồng. Như vậy, giá trị rút ròng đạt khoảng 40.700 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.

Công cụ tính lãi lỗ giá vàng