Trung Quốc tăng tốc gom vàng bạc từ Nga, cuộc đua thay đổi tài chính toàn cầu

Tin tức giá vàng
Trung Quốc tăng tốc gom vàng bạc từ Nga, cuộc đua thay đổi tài chính toàn cầu
Bất chấp giá vàng tăng, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu vàng trong chiến lược giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Trong nửa đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu kim loại quý của Nga sang Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu từ Trade Data Monitor và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu quặng và tinh quặng kim loại quý của Trung Quốc từ Nga, bao gồm vàng và bạc, đã tăng 80% lên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. 
Mức tăng này phần lớn do giá vàng bùng nổ, khi đã tăng khoảng 28% trong năm nay trong bối cảnh rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại leo thang, cùng với hoạt động mua ròng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương và quỹ ETF.
Nga hiện là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc, với sản lượng hơn 300 tấn mỗi năm. Ngân hàng Trung ương Nga từng là một trong những bên mua vàng của chính phủ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng của Nga đã giảm kể từ khi xung đột với Ukraine.


Các công ty khai thác vàng của Nga đáp ứng nhu cầu bán lẻ nội địa ngày càng tăng. Nhu cầu vàng của người dân Nga đạt mức kỷ lục vào năm ngoái khi họ đổ xô mua kim loại quý để bảo vệ giá trị tiền tiết kiệm. Người tiêu dùng Nga đã mua 75,6 tấn vàng vào năm 2024, chiếm khoảng 25% sản lượng hàng năm của cả nước.
Ngược lại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là một trong những ngân hàng trung ương mua vàng hàng đầu trong những năm gần đây.
Mặc dù khối lượng xuất khẩu vàng của Nga sang Trung Quốc có tăng, nhưng phần lớn sự chênh lệch về giá trị là do đà tăng phi mã của giá vàng giao ngay, với mức tăng gần 43% trong 12 tháng qua.
MMC Norilsk Nickel PJSC, một trong những nhà sản xuất palladium và bạch kim hàng đầu thế giới, đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá của hai kim loại này đã tăng lần lượt 38% và 59% trong năm nay.


Bạc lên ngôi
Tháng 9/2024, chính phủ Nga công bố kế hoạch chi 51 tỷ rúp (tương đương 535,5 triệu USD) trong ba năm tới để gia tăng dự trữ kim loại quý. Trong khi vàng đã là một tài sản quan trọng trong dự trữ ngoại hối, Nga đang tìm cách mở rộng tài sản bao gồm bạc và các kim loại nhóm bạch kim (PGMs).
Theo Tim Treadgold, giá bạc đang được hưởng lợi từ hoạt động mua ròng đáng kể nhưng không được công bố của Ngân hàng Trung ương Nga. Từ đầu năm 2025, giá bạc đã tăng 30,6%, vượt qua mức tăng 27,5% của vàng trong cùng kỳ khi Nga tuyên bố vào cuối tháng 9/2024 rằng có kế hoạch thêm bạc vào Quỹ Dự trữ Nhà nước.
Treadgold cho rằng, những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã tạm dừng mua vàng, vốn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2022, ban đầu được thúc đẩy bởi hoạt động mua ròng của ngân hàng trung ương, sau đó là sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
Các đối tác BRICS của Nga, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, cũng có thể chung chiến lược tích lũy kim loại quý nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế.
Mặc dù tích lũy vàng là một phần trong chiến lược tài chính của BRICS, nhưng với việc giá vàng hiện dao động gần mức đỉnh lịch sử, bạc đang nổi lên như một lựa chọn thay thế khả thi, cho phép các thành viên nhóm BRICS tiếp tục kế hoạch thoát khỏi sự thống trị của USD.
Các yếu tố khác hỗ trợ sức hấp dẫn đầu tư của bạc bao gồm nhu cầu công nghiệp mạnh mẽ, chủ yếu từ các lĩnh vực năng lượng xanh và điện tử, cùng với việc sử dụng bạc trong trang sức.
"Yếu tố lớn nhất tác động đến thị trường bạc là nhu cầu đầu tư. Kim loại này ngày càng được xem là một sự thay thế cho vàng", Treadgold nhận định.
Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm khi đồng USD tăng giá mạnh, nhà đầu tư ồ ạt chốt lời trong bối cảnh chính sách tiền tệ Mỹ tạo áp lực lên thị trường.

Công cụ tính lãi lỗ giá vàng